Lượm trên Net.


Tôi chưa già nhưng cứ hay nghĩ đến cái chết. Tẩm lắm! Nghĩ thì nghĩ thế thôi, chứ không cắt nghĩa hay phát hiện ra cái gì hay ho cả. Nói chung là rất mệt đầu, vô tích sự và chả vẹo vọ đếch gì. Tôi thấy cái chết ở xứ ta dễ dàng lắm, và mau chóng, lãng nhách như đánh một phát trung tiện vậy.
Hôm nọ đại tá Lắm Lông, nguyên cán bộ quân lực sư 304 anh hùng cạnh nhà rủ đi Quảng Trị chơi, phần thăm lại chiến trường xưa, đồng đội cũ, phần cầu siêu cho vong hồn những người đã ngã xuống. Tôi hay nghe đại tá kể chuyện chiến tranh, thi thoảng cũng được đi những cuộc chiến hữu trùng phùng. Thế nên máu lắm và rắp tâm dối vợ đi luôn. Tiện đường đón hai đồng đội của đại tá là thiếu tá Mù Dở, nguyên cán bộ tài vụ sư đoàn và thượng sĩ Râu Tôm, nguyên lính thông tin tiểu đoàn bộ thuộc sư đoàn. Tôi cầm tài, chạy thẳng hội quân ỏ Thanh hóa ( nơi thành lập sư 304 ) rồi vút Quảng Trị. Giời nắng như đổ lửa.
Trên xe, mấy cựu binh già chuyện như bắn cối. Hết chuyện xửa xưa lại đến nảy nay. Cái chất lính, tình đồng đội phải nói là trác tuyệt dù đại tá Lắm Lông đã bảy sọi, thiếu tá Mù Dở đã sáu nhăm, trẻ như trung sĩ Râu Tôm cũng tròm chèm sáu mốt. Tôi chăm chỉ lái xe, thi thoảng chêm vào một hai câu hay phọt cười phớ lớ. Đường ngái xa nhưng thấy cũng gần dần. Đến Quảng Trị thì giời tối, nóng như rang. Ba lính già tóa đi tìm đồng đội cũ. Đại tá Lắm Lông nhìn tôi phán, cho binh nhì tự do, tối cơm doanh trại và ngủ cùng đại tá. Tôi dạ ran, chân dậm đất bụi mù.
Lang thang cổ thành một chút, chán lại ra sông Thạch Hãn ngồi. Ai đó nói Quảng Trị chỉ có đặc sản là bom mìn và hài cốt. Bom mìn dân nghèo đã dọn gần hết cho lò phế liệu đổi ít xu teng, đổi luôn cả mạng sống, chân giò và tim phổi. Còn hài cốt? Nhiều lắm. Đại tá bảo còn đen lòng sông, trắng ụ cát. Mùa hè đỏ lửa cách đây hơn 40 năm, 81 ngày đêm mỗi ngày toi nguyên một đại đội. Rùng rợn!
Đên ngủ chung giường cùng đại tá, giường bên là thiếu tá Mù Dở và trung sĩ Râu Tôm. Mệt nhưng không sao chợp mắt. Ba cựu binh nhẽ già nên khó ngủ, rì rầm cả đêm, chốc chốc lại ho khan, khạc nhổ. Tối mai đại lễ cầu siêu sẽ diễn ra, nghe nói to tát và lung linh lắm. Tôi hỏi đại tá, xưa đòm chết bao tên? Đại tá cười phớ, tao làm quân lực, chỉ đi tuyển quân, giao huấn luyện rồi tống vào chiến trường, biết mỗi cây súng lục bao da, rỗng đạn. Tôi hỏi thiếu tá Mù Dở, cũng câu hỏi đó. Thiếu tá bảo, tao làm anh cán bộ tài vụ sư đoàn, mỗi việc phát gạo, lo trợ cấp cho lính, lo cả đời sống vật chất cho chỉ huy, biết dùng aka đi săn cải thiện nhưng không có sản phẩm đem về nhưng má lại sưng vì súng giật đập báng vào mặt. Tôi cười ngất, quay sang trung sĩ Râu Tôm. Trung sĩ cười rung rốn, làm cái anh thông tin tiểu đoàn lo điện đài, điếu đóm, dây dợ đã khốn khổ khốn nạn rồi thì đánh đấm đếch gì. Nhưng tao mà tịt thì khối thằng chết. Buồn cười với mấy ông lính già này quá. Hóa ra lính cũng có năm bảy loại, có phải thằng nào đi lính cũng toi đâu, nhiều ông còn lên tướng.
Cựu binh đổ về Quảng Trị như đi hội. Tay bắt, mặt mừng rồi dấm dứt khóc. Họ vẫn giữ cách xưng hô như ngày trong quân ngũ thời trai trẻ. Ai gặp đại tá cũng kêu thủ trưởng, còn đại tá cả một ngày mới gọi một người là thủ trưởng, tên Phiêu Phiêu. Thiếu tá thi thoảng cũng được gọi thủ trưởng. Mỗi trung sĩ Râu Tôm, toàn mày tao chi tớ. Đúng là trung sĩ hãm.
Tối, cả cổ thành và một dải Thạch Hãn lung linh hoa nến. Chuông rung, kinh đổ, cựu binh nhang đèn nghi ngút lầm rầm khấn vái xì xụp. Đêm mùa hạ nóng bỏng trong se sắt. Đâu đó âm hồn lảng bảng, kêu rên. Người tôi gai ốc nổi lên như sầu riêng trúng vụ.
Lại một đêm mất ngủ. Đại tá bảo mai về vì nhiều việc. Cũng phải, đại tá có 2 cái trường tư, một cái dạy bọn vỡ lòng, một cái dạy bọn đánh vần. Thiếu tá cũng đồng ý vì doanh nghiệp vắng thiếu tá khác gì lính mất chỉ huy. Trung sĩ ất ơ bảo tùy hai thủ trưởng, em có cái tiệm hàn, hôm nghỉ hôm làm. Tôi cũng muốn về. Đi chiêm nghiệm một khúc tráng ca chết chóc thế cũng là đủ, sâu sắc quá lại mắc chứng tâm thần hoảng loạn hay mất ngủ kinh niên thì cũng phiền.
Ba cựu binh ngủ ngáy mê say. Chạy đường Hồ Chí Minh nên về đến Hà nội thì trời mới sập tối. Tôi đưa thiếu tá và trung sĩ về đúng nơi tập kết. Đại tá bảo tao mày đi đánh chén, mấy khi. Tạt quán bia, đại tá hỏi, thế nào, trải nghiêm thú vị chứ? Tôi không trả lời thẳng câu hỏi mà thở dài não nuột, chết nhiều đại tá nhỉ?. Đại tá cười, bảo so với thời chiến, thời bình còn chết nhiều hơn. Thấy không, ngày cũng gần đại đội toi vì tai nạn giao thông hay đâm chém nhau vô cớ. Nghe phát hoảng nhưng đúng là thế thật.
Đất nước này nhẽ đâu lúc nào cũng là những cuộc chiến???
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét