
Chia tay lúc tình đang mặn nồng, ngực đang phập
phồng và giấc mơ vẫn còn màu hồng sẽ luôn để lại dư chấn và những vọng khúc lâu
dài.
Ấy chính là đạo lý của những anh hào lừng lẫy, múa
bút làm cave thiên hạ. Tiếc rằng ở xứ này đa phần văn nhân vẫn quyết không lùi
bước cho đến khi in nốt cái di cảo. Văn hoá buông bỏ thật khó khăn và xa xỉ với
một nơi vốn đói kém triền miên, danh vọng là niềm ao ước.
Tôi cho rằng Phọt Phẹt nên làm ngay việc ấy.
***
Phọt Phẹt từng là một hiện tượng thú vị bậc nhất
làng mạng xứ An Nam. Không một gã dặt dẹo nào trên cõi ảo này lại có nhiều
huyền thoại như vậy.
Âu cũng là từ cái sự giao du rộng rãi, liên tục mà
ra.
Từ Bắc qua Trung vào Nam, chẳng có nơi nào gã không
có những mối quan hệ kiểu kết giao văn chương bên chén rượu tạc thù, huynh đệ.
Rất sa đoạ mà cũng đầy chất tao nhân, mặc khách.
Một tay đánh dậm cua xứ Ngọc Lạc, Thanh Hoá hay một
vị chức sắc nơi Văn Phòng Chính Phủ đều có thể rưng rưng thân ái trong canh
rượu vã. Một vàng son buôn bất động sản, lái xe mui trần nơi Sài Thành hay một
mẹ đơn thân ghi số đề đi xe đạp điện tận Lào Cai cũng vẫn đắm say trong lời ca
rung động tận cuối cốc beer tươi.
Lê la 2h sáng trên vỉa hè Giảng Võ, duyên dáng trong
show ca nhạc chốn phòng trà hay e thẹn bên mẹt thịt chó giờ hành chính. Vẫn là
gã với cái bụng to vượt mặt, cặp giò lẩy bẩy dậy non vì Gout và oằn tà vằn đâu
đó trong chiếc quần đùi lụa mỡ gà mẩu bún sợi to.
***
Tôi gặp Phọt Phẹt nhân một buổi huynh đệ tụ tập chè
chén thanh tao ở một cái tửu điếm nhỏ. Gã ngồi điềm tĩnh và im lặng. Khi nhà
thơ kiêm kĩ sư xây dựng xứ Nghệ An nâng cốc giới thiệu đây là Lọc Râu còn đây
là anh Tuân tức Phọt Phẹt, blogger thì gã mới hít nhẹ một hơi rồi đưa bàn tay
mũm mĩm ra bắt. Giá như cách đây vài năm thì gã sẽ ưỡn ngực ra , đằng hắng và
bảo anh là Phọt Phẹt, chủ trang photphet.info.
Khốn khổ cho cái kiểu nghệ sĩ bàn phím như gã,
truyền thông xã hội tiến xa quá khỏi sự nắm bắt làm cho từ một anh hùng mã
thượng trở thành một kẻ ất ơ, ăn mày dĩ vãng. Fanpage Phọt Phẹt không cứu nổi
cho sự suy thoái ấy khi nó tạp nham không khác gì cái mẹt đồ khô ngoài chợ. Âu
cũng là cái giá phải trả cho một bộ não ngâm tẩm quá lâu trong hơi cồn xộc lên
từ mạch máu.
Nhưng quan hệ cũ của gã vẫn còn đó. Cái chất phong
lưu một thời hãy còn đó. Quan trọng nhất là giọng hát ăm ắp xúc cảm của gã vẫn
còn đó.
Nhiều người lần đầu gặp sẽ bị lạc đi trong sự mê
hoặc bởi chất giọng và lời ca. Nội tâm phải phong phú lắm thì mới cất lên được
những câu hát như thế.
"Đào liễu có một mình. Em đi đâu hỡi cô nàng ơi
mà đào liễu có một mình. Ấy kìa hai vai nay còn gánh nặng, đào liễu phất phơ,
phất phơ đội đầu.
Dẫu mà thương lắm, thương lắm mẹ cha". Sai toét
toè loe so với lời gốc và cũng chỉ thuộc có đúng đoạn đầu ấy nhưng không hề gì,
mấy câu này đã thành biểu trưng cho hình ảnh của gã.
Cổ nhạc tửu lâu tam khúc của Phọt Phẹt còn có thêm
"Nhớ mẹ ta xưa" theo lối hát văn và "Đò Đưa" theo làn điệu
quan họ. Chỉ vậy thôi là đủ để cho một cuộc tao ngộ trở nên ngập tràn những nỗi
niềm và thân phận.
***
Tiếc thay chả phòng Karaoke nào chiều được những
dòng nhạc oái oăm thập phần âm lịch thế nên gã phải tìm một hình ảnh tân nhạc
tương xứng.
Ngọc Sơn là ca sĩ gã đã tìm đến trong cái sự cầu cứu
bẽ bàng. Cái sến sẩm được nhiều ma-đam sồn sồn kết của Ngọc Sơn nhẽ khí hợp với
mục tiêu đong gái mạng.
Ấy vậy là ta sẽ được nghe cả trăm lần tình khúc ẩm
ướt "Nụ cười biệt ly" với những câu đầy chua chát:
"Tìm đâu một lối cho đôi mình
Thôi đành chấp nhận bẽ bàng
Nhìn nàng nuốt lệ mà đi
Nuốt lệ mà đi người ơi".
***
Thôi đành chấp nhận bẽ bàng
Nhìn nàng nuốt lệ mà đi
Nuốt lệ mà đi người ơi".
***
Đọng lại sau rốt là gì? Ta sẽ tơi bời về nhà trong
cơn nhức đầu có thể kèm nôn trớ. Áo tuột ra ngoài quần và nhoè một vết son trên
má. May mắn thì được suất ngủ ở sofa và kém duyên hơn sẽ có chiếc vali bay ra
cửa bonus một cú đóng sầm lại lúc gần 3h sáng.
Giá như sau khi hát nuốt lệ mà đi, gã cũng đóng cửa
blog lại mà đi thì hẳn là danh vọng ấy vẫn lưu truyền kim cổ. Thay vì phọt ra
cái gì giờ cũng chỉ để lại một tiếng phẹt phẹt phẹt luẩn quẩn trứng ung trộn
hành phi.
Và giá như, có cái cụ cao niên lắm vẫn đang vinh
quang trên đỉnh Phù Vân kia cũng nuốt lệ mà đi thì hay biết mấy. Khổ nỗi cụ ấy
vẫn chờ đến khi phải vãi lệ mà thăng.
Thế hoá ra toàn ép nhau vào con đường mòn.
Thời coá phỏng?