Bài đăng nổi bật

Triết lý con rùa

  Thôi em về đi kẻo người ta giận Không cho sướng nữa, em lại buồn. Việc nhà, việc cửa để anh lo Dù già, dù yếu dưng còn sức Giỗ tết nọ kia ...

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

ĐÚNG QUY TRÌNH?

Trong hình ảnh có thể có: 4 người, mọi người đang đứng

Vậy là rõ rồi nhé, tiếng súng Yên Bái đã kết thúc rất...có hậu. Ấy là do bức xúc trong việc sắp xếp nhân sự chứ tịnh không cừu thù ân oán trong làm ăn hay ái tình.

Hơi băn khoăn một chút là khám xét phòng làm việc của đồng chí Ngô Ngọc Tuấn có 1 két sắt, trong két có 100.000 USD, 1,5 tỷ đồng và 4 chiếc nhẫn màu vàng, mặt đá không xác định trọng lượng và chất lượng. Đồng chí Ngô Ngọc Tuấn trước khi bị hạ sát là đương kim chủ tịch HĐND kiêm trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy.

Đại tá Phạm Ngọc Thắng – Phó giám đốc Công an tỉnh Yên Bái cho biết, đây là số tiền mà 2 vợ chồng ông Tuấn tích góp nhiều năm nay, để ở đây cho an toàn.

Kết luận của Phọt Phẹt: Nơi cất giữ tiền an toàn nhất là phòng làm việc của lãnh đạo chứ không phải tư gia hay ngân hàng.

Bọn đạo chích khỏi phải bói chân gà hay xem tay người bị sét đánh nữa nhé. Tháng củ mật đến rồi.

Chiến thôi:))

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

Tôi có một thằng bạn, hầu như hắn chẳng quan tâm tới những trò bẩn của người đời chơi xấu nhau, với hắn, cố làm tình làm tội, làm khó hắn, bôi bác hắn hay hạ nhục hắn để hắn phải lâm vào cảnh khốn khổ, khốn nạn.
Trước tất cả những trò đó, hắn chỉ nhếch mép cười, nhìn bằng 1/4 con mắt rồi lầm bầm:
"Thượng đế lại sai thêm một thằng điên nữa tới để thử thách ta đây. Nhưng giá như ngài sai những thằng thông minh hơn thì còn may ra"...
Mỗi lần nghe vậy tôi lại nói: "Thượng đế đâu có ngu. Nếu ngài sai những thằng thông minh tới thì chúng thành bạn ông hết rồi còn gì!".
Hắn nhìn tôi, trầm ngâm một chút rồi gật gù: "Ừ nhỉ, bạn mình nói có lý!"


Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

Tâm sự của ông bố con gái

Tôi chưa thấy đàn bà xứ nào lại khổ như xứ ta. Cái khổ gần như là định mệnh và truyền kiếp. Từ độ rất xa xưa, khi mà liền ông mồm hẵng bỏm bẻm nhai giầu và tay thời lận khố dây mò cua bắt cá thì liền bà đã ra trận đặng cứu rỗi nước non và gỉả nợ thù nhà. Sự thể ấy cho đến ngày nay còn rạng danh và nối tiếp.
Người ta hay nói thân phận đàn bà như mười hai bến nước, có bến đục bến trong và nhờ nhờ giữa giòng. Còn liền ông, phải chăng như những con thuyền, bão giông thì neo đậu, anh lành thì rong khơi? Bất quá thời cắm con sào đứng đợi? Hay gì khác?
Danh giá hơn, người ta còn ví đàn bà như hạt mưa sa. Rồi lại cám cảnh hạt vào giếng ngọc, hạt ra ruộng cày. Rặt một nỗi đa đoan truân chuyên dấm dớ. Ấy như là cái nết chẳng bao giờ được bình an và khải hoàn vậy.
Nhẽ thế mà người ta trọng và thích đẻ con giai hơn là con gái, đến mức đề ra thành châm ngôn, na ná như nghị quyết thời nay. Ấy là “ nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, dịch thô ra thì là một giai kể như có cả thiên hạ, mười gái thời cũng như không. Sự thể ấy đến nay thời chưa hề suy suyễn nếu như không nói lại có phần hơn. Và muôn đời sau nhẽ không khác mấy. 
Nhà tôi đông anh em, những bốn, đứa kế tôi là gái. Mẹ tôi nhẽ sợ cái nỗi định mệnh và truyền kiếp kia nên rèn rũa kỹ càng lắm. Thôi thì kính thưa các thể loại công dung ngôn hạnh cho đến cầm kỳ thi hoạ, món nào tinh hoa là bà bỏ bễ dóm than mà quay cho đượm hồng bằng phương pháp duy nhất là thúc ép lao động trường kỳ. Bà lý sự, chỉ có làm việc mới tạo ra của cải và phẩm giá con người, lười như đười ươi hẵng còn biết cầm ống cho đến khi hoàng hôn buông bỏ. Em tôi ăn nhời theo độ dày mỏng của cái roi mây treo cẩn mật ngoài mé hiên nhưng đến khi lông lống thì nó bỏ đi theo cái nghiệp mà không ai ngờ tới: bóng đá nữ.
Cả họ gào ầm lên hệt như lúc bị hợp tác xã thu mất mấy thước đất phần trăm. Còn mẹ tôi ra rả suốt ngày rằng thời chó lấy. Ai đó còn bác học phân tích cho nó, rằng con gái trọng nhất chữ trinh mà đá bóng binh binh thì nghìn vàng cũng thành phân xanh bón ruộng. Nó kệ, cắn răng chịu đòn roi và báng bổ để theo nghiệp quần đùi áo số được một cơ số mùa. Chỉ đến khi yêu một anh chàng mặt hoa da phấn thì nó mới soi mình trước gương và thấy sự bất đối xứng không lấy gì làm tốt đẹp thì bỏ hẳn.
Hỡi đàn bà, cứ rẽ trái và chứng minh mình phải. Và hãy dừng lại khi có thần tình ái vịn vai. 
Tôi thích con gái. Đến nhà ai mà thấy rặt một bề “ dép tổ ong” thời hân hoan ra mặt và kiểu gì cũng moi hết từng xu lẻ mà thành kính dâng lên. Ấy rồi như giời thương và thấu ra tâm ý nên đứa con đầu lòng của tôi là hoàng tử đái ngồi. Mẹ tiên sư, tiền nhân cũng lắm ỡm ờ, đã chả coi con gái ra cái đếch gì rồi thế mà lại chua thêm cái khuyến mãi động viên, rằng a “ ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Chỉ là đầu lòng thôi nha, chứ mà giữa lòng hay cuối lòng thờì lại thành “ thập nữ viết vô” tắp lự.
Đêm qua bàn chuyện cơ cấu phấn đấu đứa thứ hai, tôi vẫn thích gái. Nhưng người hôn phối thì lại thích giai. Nàng bảo đời em khổ rồi và không muốn bản photocopy thêm nhiều hoen ố. Ô hay?
Thôi thì con cái là giời cho, mọi ước nguyện mong cầu đâu phải dễ. Cứ thuận theo tự nhiên và lẽ đời thời phúc phần sẽ gõ cửa. Nhưng nếu nàng có chửa, thì như đã nói, tôi vẫn thích con gái hơn. Tôi không sợ lời nguyền mười hai bến nước bởi với con gái tôi, chúng sẽ là bến nước... thứ mười ba.

Bến đó có tên là, người yêu muôn kiếp của cha. Con gái ạ.

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Nôm na về báo chí Ta.


Bài của Nguyễn Thanh Sơn.
Ảnh chỉ mang tính minh họa nhằm tôn vinh nét hay ho của sự hở hang đến thô bỉ của sự đời, 
nên chả liên quan éo gì đến bài viết đâu nhé các con ợn... 
Năm 1994, về nước, tôi được nhận vào làm thực tập tại tiểu ban Tin Tham Khảo, thuộc Ban Quốc tế của Thông tấn xã Việt Nam (một số bạn hẳn còn nhớ, ở thời điểm đó, hàng ngày Thông tấn xã Việt Nam phát hành hai bản tin tham khảo sáng-chiều có đóng dấu “mật- tài liệu không phổ biến”). Tiểu ban của chúng tôi có mười mấy người, do anh Hà Minh Huệ mới từ phân xã New York trở về làm trưởng tiểu ban (anh Huệ hiện đang giữ chức Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam). 
Mặc dù mang tiếng làm việc ở Ban Quốc tế của Thông tấn xã, nhưng công việc của chúng tôi chỉ đơn giản là dịch lại tin tức từ các bản tin của các hãng thông tấn nước ngoài như AP, UPI, Reuter…được chuyển về bằng máy telex (hồi đó chưa có Internet và máy fax cũng rất hạn chế). Cứ đầu giờ sáng, anh Huệ qua phòng telex lấy tin, mang về xé cho chúng tôi mỗi người một mảnh cặm cụi ngồi dịch, sau đó chừng 10h sáng thì nộp cho anh Huệ để làm bản tin chiều, đầu giờ chiều lại nhận tin để dịch, tới 3h30 chiều nộp làm bản tin sáng. Anh Huệ là người thày đầu tiên trong quãng đời nghề báo ngắn ngủ của tôi, người cặm cụi sửa cho tôi từng lỗi dịch sai, từng dấu chấm câu. Tôi còn nhớ, sau nhiều ngày hùng hục làm việc, một buổi chiều, anh Huệ rất hớn hở cầm một tập bản tin tới bàn làm việc của tôi khoe: “tin em dịch được đăng rồi đây này!”. Tôi run bắn lên vì hồi hộp, nhưng khi nhìn thấy bản in thì lại thất vọng tràn trề: toàn bộ bài báo tôi dịch đã bị cắt còn lại đúng năm dòng, thông báo về việc một nhóm cựu binh Mỹ tới bờ biển Đà Nẵng tổ chức lướt sóng!
Suốt thời gian làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam, tôi học được hai bài học chính về nghề báo ở Việt Nam. Bài học thứ nhất- đừng làm ngôi sao, hãy viết như mọi người! Tôi rất ngạc nhiên khi những bài báo tôi dành tâm huyết để nghiên cứu, tìm cách diễn đạt đặc sắc lại là những bài báo không bao giờ qua được cửa biên tập, trong khi những bài báo vô thưởng vô phạt, được viết ra một cách qua quít cẩu thả lại được khen ngợi. Chúng tôi thường đùa nhau, cơ quan của chúng tôi giỏi nhất việc vo tròn phong cách viết của mọi người, là cái lò tạo ra những sản phẩm dập khuân. 
Bài học thứ hai tôi học được sau ba tháng làm việc đầu tiên, khi tôi được anh Huệ biểu dương ở cuộc họp chung ở tiểu ban về thái độ và hiệu suất làm việc. Lý do là thông thường, chúng tôi chỉ phải dịch tin đến 10h sáng, sau đó có thể nghỉ ngơi, đọc báo, uống trà hay tán láo cho đến lúc ăn trưa. Nhưng tôi thường chỉ mất hơn một tiếng để dịch một tin, nên đến 9.30 đã xong phần việc của mình và tiện tay dịch thêm vài tin nữa, kết quả là nhiều khi tới giờ ăn tôi vẫn cặm cụi ngồi làm. Sau buổi họp, mấy chị lớn tuổi hơn nửa đùa nửa thật nói với tôi “này, buổi trưa chị còn phải đi đón con, giặt quần áo, đi chợ, nên cậu đừng có phấn đấu làm chiến sĩ thi đua như thế sếp cứ lấy cậu là làm gương là chết bọn chị”. Hóa ra nếu bạn không muốn vừa phải làm thêm nhiều việc, vừa bị mọi người ghét, thì chỉ viết giống như mọi người chưa đủ, bạn còn phải làm việc giống mọi người nữa. Khi tôi biết cách mỗi buổi chỉ dịch một tin, thời gian còn lại đọc báo, uống trà và tán láo giống như mọi người, không khí trong tiểu ban đối với tôi thay đổi hẳn, thân thiện hơn trước rất nhiều, chỉ có anh Huệ là cười cười nói “mày học nhanh quá”.
Mười bảy năm sau ngày tôi rời khỏi Thông tấn xã Việt Nam, báo chí Việt Nam đã có những thay đổi lớn. Với gần 800 tờ báo và tạp chí, hàng chục đài truyền hình trung ương và địa phương, hơn một trăm kênh truyền hình đang được phát sóng, báo chí Việt Nam, cũng giống như xã hội Việt Nam, đang loay hoay trong một giai đoạn bản lề.
Nói đến báo chí Việt Nam, trước tiên phải nói đến sự khác biệt của nó đối với báo chí ở bên ngoài. Một trong những đặc điểm đầu tiên tôi đã có dịp đề cập ở trên, đó là vấn đề uy tín. Ở những quốc gia mà tôi có dịp tới học tập hay làm việc, báo chí- trừ những tờ báo in hay kênh truyền hình cực kỳ lớn- phần lớn bị coi là “rác rưởi”. Cạnh tranh gay gắt về thông tin, sự hùng hậu của báo lá cải khiến cho sự cạnh tranh trong giới truyền thông trở nên hết sức khốc liệt, và người ta không từ một thủ đoạn nào để có được thông tin. Uy tín và sự tin cậy dành cho phóng viên ở mức đặc biệt thấp, và mỗi một cuộc phỏng vấn đối với lãnh đạo của các thương hiệu hay công ty là một cuộc đấu trí thực sự. Trong khi đó, báo chí Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn trước, được công chúng coi trọng- dù dưới tư cách là kênh phát ngôn chính thức của các cơ quan thuộc Đảng và nhà nước, hay dưới tư cách phản biện của tiếng nói quần chúng lao động.
Trên phương diện phát ngôn chính thức (“là tiếng nói của…”, “là cơ quan ngôn luận của…”-được in rõ ràng trên manchette báo), báo chí Việt Nam thường được chia thành ba nhóm: báo chí nhóm một, báo chí nhóm hai và báo chí nhóm ba. Nhóm một là những cơ quan báo chí quan trọng nhất như báo Nhân Dân, đài truyền hình Việt Nam, đài phát thanh tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam. 
Báo chí nhóm hai là báo chí thuộc chính quyền và đảng bộ địa phương hay các tổ chức chính trị xã hội cấp Trung ương như Hà nội mới, Đài truyền hình Hà nội, Sài gòn Giải phóng, Thanh Niên hay Lao Động…
Báo chí nhóm ba là các báo, tạp chí hay bản tin còn lại. Tuy có vai trò quan trọng trong việc “định hướng dư luận”, nhưng trừ truyền hình, còn các báo in thuộc nhóm một và hai lại có lượng người đọc ít hơn so với báo chí nhóm ba (tất nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, ví dụ như báo T.T, tờ nhật báo lớn nhất và có uy tín nhất cả nước, lại chỉ được coi là báo chí nhóm ba).
Chính vì chức năng “tuyên truyền cho các chính sách của Đảng và Nhà nước” cũng như vai trò “định hướng dư luận” được coi là chính yếu, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi trình độ chuyên môn về thông tin của báo chí Việt Nam chưa thể so sánh với báo chí khu vực, chưa nói gì đến báo chí trên thế giới. Trong một giờ lên lớp, khi tôi đề nghị các sinh viên của tôi (đang theo học năm thứ ba của khoa báo chí trường Đại học Xã hội và Nhân văn) thử viết một tin ngắn chừng hai trăm chữ về thông tin một công nhân bị tai nạn ngã chết trên công trường xây dựng, khai thác thông tin này trên mười hướng khác nhau, tôi rất ngạc nhiên khi tuyệt đại đa số họ không hiểu được thế nào là “khai thác trên mười hướng”, thậm chí chỉ trên khía cạnh một tin vắn thông thường, họ cũng chưa viết được. 
Thực ra, nếu bạn nhìn vào giáo trình giảng dạy cho sinh viên báo chí, bạn sẽ không thể trách họ được, nhất là khi bạn biết, phần lớn giáo viên giảng dạy tại khoa báo chí lại chưa từng được làm báo theo đúng nghĩa của nó, mà chủ yếu hoặc nghiên cứu về lịch sử báo chí tại các trường đại học thuộc Liên xô cũ, Cu-ba hay Đông Đức, hoặc được chuyển từ khoa Ngữ văn sang. Các tờ báo buộc phải đào tạo lại các phóng viên theo kiểu truyền nghề, từ kinh nghiệm thực tế (như anh C.K của báo S.G.T.T phải tự soạn ra một cuốn sách lấy tên là “Những gì họ không dạy bạn ở trường báo chí” để huấn luyện lại cho phóng viên) nên thỉnh thoảng lại có một đợt sóng trồi sụt về chất lượng của báo chí khi những phóng viên lâu năm nghỉ việc hoặc chuyển sang làm việc ở tờ báo khác.
Báo chí Việt Nam hình thành một số nét đặc biệt khác, mà tôi tạm gọi là “văn hóa” để so sánh nó với báo chí quốc tế. Đầu tiên là văn hóa “báo không thể sai”. Ở các nước khác, trước khi đến được với người đọc, thông tin thường phải trải qua một quá trình kiểm tra chéo nghiêm ngặt để đảm bảo tính trung thực và khách quan của nó, và nguồn tin thường được phân cấp về mức độ tin cậy (nguồn tin cấp một- nhận trực tiếp từ nguồn, được tiếp cận văn bản; nguồn tin cấp hai –nhận trực tiếp từ nguồn, không được tiếp cận văn bản; nguồn tin cấp ba- thông tin nhận qua trung gian, không được tiếp cận văn bản…vv). 
Trong khi đó, ở Việt Nam, các tờ báo rất ít khi đưa việc kiểm tra chéo thông tin như một qui trình bắt buộc của tác nghiệp báo chí, nên lấy lý do báo sắp ra nhà in, thông tin cần đưa ngay, người ta khá thoải mái trong việc cung cấp các nguồn tin thiếu kiểm chứng. Ngay cả khi đưa tin không đúng sự thật, báo chí Việt Nam cũng rất hiếm khi xin lỗi hay đăng thông tin cải chính- mặc dù luật báo chí có qui định về việc này.
Thiếu sự đòi hỏi nghiêm ngặt về tính chính xác của thông tin sẽ dẫn đến thiếu cạnh tranh gay gắt về thông tin, nên báo chí Việt Nam hình thành một văn hóa “chia sẻ”, trái ngược hoàn toàn với văn hóa “độc quyền” của báo chí nước ngoài. Ở Việt Nam, thông tin có thể được các phóng viên làm việc ở các tờ báo khác nhau chia sẻ với nhau, và các phóng viên ở các tờ báo khác nhau hoàn toàn thoải mái khi cùng ngồi trao đổi hoặc phỏng vấn đại diện của một công ty. 
Các phóng viên viết cùng một lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục hay y tế hình thành các nhóm chơi với nhau khá thân thiết, và có rất ít cạnh tranh về thông tin giữa họ với nhau. Điều này là trái ngược hoàn toàn với báo chí phương Tây, nơi phóng viên của các tờ báo luôn luôn dè chừng, cảnh giác với phóng viên của các tờ báo khác mà họ coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, và hầu như không có chuyện họ lại chơi với nhau theo nhóm.
Văn hóa chia sẻ này khiến cho những khái niệm như “ dành riêng cho…” (exclusive…) hầu như ít tồn tại ở Việt Nam, và “đặc quyền tiếp cận” không còn là một công cụ hữu hiệu của quan hệ công chúng (“đặc quyền tiếp cận” là một công cụ của quan hệ công chúng, khi bạn cung cấp quyền tiếp cận thông tin hoặc nguồn tin chỉ dành riêng cho một phóng viên hay một tờ báo, do đó tạo giá trị cho riêng tờ báo hay phóng viên đó). “Văn hóa chia sẻ”, cộng thêm với văn hóa “đừng làm ngôi sao” khiến cho các bài viết thường na ná như nhau, ít có bản sắc riêng của người viết, và đặc biệt khi đã có thông cáo báo chí được soạn sẵn, thì việc các bài báo với nội dung giống nhau xuất hiện trên vài ba chục tờ báo là điều thường xuyên xảy ra. “Văn hóa chia sẻ” cũng khiến cho các tin xấu lan đi rất nhanh, và hầu như rất khó làm cái điều mà nhiều khách hàng của chúng tôi đòi hỏi-“bịt” tin xấu lại không cho phát tán ra ngoài. Khi các phóng viên quyết định “đánh” một vấn đề gì đó, họ cũng thường phát động “chiến tranh tổng lực” hay “chiến tranh trường kỳ” dựa trên sự chia sẻ thông tin trong nhóm.
“Văn hóa chia sẻ” của báo chí Việt Nam lại dẫn đến văn hóa “báo không ăn thịt báo”- báo chí Việt Nam rất e ngại trong việc đưa ra những thông tin ngược lại với thông tin đã được đăng tải trên “các báo bạn”, cho dù biết rằng những thông tin đó có thể không chính xác. Phần lớn trường hợp, họ chỉ dùng thái độ im lặng của mình để phản ứng thông tin sai lệch, mà hầu như không bao giờ trực tiếp đứng ra chỉ trích tính tin cậy hay công khai thách thức tính xác thực các bài báo của đồng nghiệp. Có một sự “ngầm định” khi có ai đó có ý định thách thức văn hóa “báo không thể sai” của báo chí Việt Nam.
Một nét văn hóa nữa chúng ta có thể nhận rõ trong thời gian vừa qua, đó là văn hóa “lề trái” và “lề phải” của báo chí Việt Nam- rất nhạy cảm về mặt chính trị, có các qui tắc và “cấm kỵ” bất thành văn và chịu sự kiểm soát chặt chẽ về mặt nội dung của các cơ quan chính quyền và tổ chức Đảng. Chuyên gia quan hệ công chúng phải nắm được “văn hóa lề phải”: các định hướng tuyên truyền và các chính sách chính trị, xã hội kinh tế trọng tâm, từ đó khéo léo lồng ghép vấn đề của mình cho phù hợp với chính sách đó, đồng thời phải hiểu được “văn hóa lề trái” những mối quan tâm và bức xúc của quần chúng, phản ánh thông qua báo chí, hiểu được ranh giới mong manh giữa hai lề và sự tế nhị của các tổng biên tập khi phải giữ một khoảng cách vừa phải với cả hai lề.
Một đặc điểm nữa của báo chí Việt Nam là văn hóa đồng dạng. Phần lớn các báo hay chương trình truyền hình của Việt Nam có nội dung tương tự như nhau, và không có sự khác biệt quá nhiều về “thương hiệu” báo chí như các tờ T.T, T.N, L.D, N.L.D…Báo chí chuyên ngành ở Việt Nam còn chưa phát triển, nội dung nghèo nàn, chất lượng bài viết không cao và lượng người đọc thấp. Đây là thiệt thòi lớn đối với ngành quan hệ công chúng, vì quan hệ công chúng chủ yếu tác động đến những nhóm đối tượng nhỏ và chuyên biệt (ví dụ như các nhà khoa học, các chuyên gia một ngành khoa học cụ thể, các chính trị gia..vv) mà báo chí chuyên ngành, ở các nước khác, lại là công cụ đắc lực để tác động đến nhóm đối tượng này. Lý do chủ yếu, có lẽ là, thói quen nghiên cứu vấn đề của mình một cách nghiêm túc và khoa học chưa được hình thành ở Việt Nam. Khi các chuyên gia không có thói quen tổng kết những vấn đề mà mình nghiên cứu hay theo dõi, trình bày cho công chúng hay đồng nghiệp của mình dưới dạng các bài viết hay công trình có giá trị thực tiễn, thì sẽ khó có đất cho sự phát triển của báo chí chuyên ngành.
Trong rất nhiều cuộc hội thảo về nghề báo và mối quan hệ giữa quan hệ công chúng và báo chí Việt Nam, có một câu hỏi thường xuyên được nhắc tới, đó là “văn hóa phong bì”. Tôi cố giải thích cho các khách hàng của chúng tôi, những khách hàng bị ràng buộc bới Điều luật về chống hối lộ các cơ quan và tổ chức nhà nước (báo chí Việt Nam, do nhà nước sở hữu và quản lý, nằm trong phạm vi của điều luật này), nguồn gốc của văn hóa này. 
Năm 1988, khi tôi rời khỏi Việt Nam, tôi đang nhận tiêu chuẩn tem phiếu hạng N (Nhân dân). Tiêu chuẩn này cung cấp cho tôi hàng tháng một khẩu phần là 13 kg gạo (được tăng lên 18 kg khi tôi vào học đại học), 100 gram thịt (có giá trị chuyển đổi sang 200 gram sườn hay 150 gram mỡ), 500 gram đường và 0.5 lít nước chấm. Với các tiêu chuẩn tem phiếu khác (A-B cho cấp Bộ/Thứ trưởng, C cho cấp Vụ trưởng, D-E cho cấp trưởng phòng, chuyên viên, cán sự), khẩu phần có khá hơn, nhưng tựu trung cũng vẫn là một khẩu phần chết đói. Để giúp cán bộ của mình có thể tồn tại mà không suy nhược đến chết, các cơ quan nhà nước phải có “kế hoạch 3”, bằng mọi cách tăng khẩu phần ăn cho cán bộ của mình. 
Tuy vậy, danh chính ngôn thuận các “quĩ đen” như vậy không được công nhận, và phân chia các quĩ như vậy cũng rất phức tạp. Cách chia đơn giản nhất là ở các cuộc họp, mỗi người dự họp được phát một cái phong bì, trong đó có một số tiền nhỏ.
Cứ như vậy, hình thành một thói quen, thậm chí là một văn hóa, đó là khi tới dự các cuộc họp, các đại biểu đều được phát một phần quà nhỏ hoặc một phong bì có tiền. Khi tôi làm việc ở Thông tấn xã, chúng tôi có một quĩ nhỏ, do đóng góp của cán bộ trong ban đang làm việc ở các phân xã nước ngoài, quà của địa phương khi chúng tôi đi công tác..vv tất cả được cho vào một “quĩ đen” được dùng vào các việc hiếu, hỉ, thăm nom người ốm và, chia đều cho các cán bộ của tiểu ban dưới dạng phong bì trong các cuộc họp. “Miếng bít-tết mà quí vị đang ăn trong bữa trưa nay”- tôi thường nửa đùa nửa thật nói với họ-“gấp đôi số thịt mà tôi được ăn trong cả tháng, cho nên đừng giận dữ khi chúng tôi bắt buộc phải tìm cách để tồn tại”. Phần lớn các bạn có lẽ còn nhớ câu nói quen thuộc của thời đó “nhà văn-nhà báo-nhà giáo= nhà nghèo”.
Chính vì hiểu được lý do bắt nguồn của văn hóa đó, nên trong một thời gian dài, tôi không cảm thấy có vấn đề gì khi trong các cuộc họp báo, các phóng viên nhận một phong bì với một số tiền nhỏ. Chúng tôi coi số tiền nhỏ đó là số tiền bù cho chi phí xăng xe đi lại của phóng viên, những thứ chúng tôi biết tòa soạn sẽ không bao giờ hoàn trả ngược lại cho họ. Dù có nhận phong bì đó, phóng viên cũng không có bất cứ một trách nhiệm nào về nội dung bài viết, về thái độ trong cuộc họp báo…vv.
Điều đáng tiếc là, cùng với thời gian, văn hóa phong bì đã bị biến tướng bới một số công ty quan hệ công chúng hay một số khách hàng coi việc “mua bài” của phóng viên là công việc chính của chuyên gia quan hệ công chúng.

Các phóng viên đã tức giận kể cho tôi nghe, trong buổi họp báo của một công ty kinh doanh bất động sản, người phát ngôn của công ty đã viết lên bảng số fax của công ty mình và bảng giá của các bài viết- hỡi các phóng viên, hãy fax bài viết của bạn tới cho chúng tôi và chúng tôi sẽ trả tiền cho các bạn dựa vào nội dung ca ngợi của bài viết! Chúng tôi sẽ đếm chữ để trả tiền, các bạn hãy cố gắng lên! Cho dù làm các nhà báo chân chính tức giận, không thể thừa nhận rằng có một số nhà báo đã bị ảnh hưởng, và “phong bì” trở thành nguồn thu nhập chính của họ, đặc biệt là khi tờ báo không đủ sức nuôi sống họ. Cho nên, chúng tôi đã gặp cả hai trường hợp, khi thì có phóng viên kiên quyết không nhận phong bì có số tiền nhỏ kia, lúc lại có phóng viên thẳng thừng hỏi sao không trả tiền cho họ “kiếm chút cháo” khi mà chúng tôi đã lấy tiền từ khách hàng để “có cơm ăn”.

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Lý do em chửa lấy chồng

Tác giả Thảo  Alisa sưu tầm bài viết này

Đừng có hỏi em sắp lấy chồng chưa nữa. Ai thích thì cứ lấy đi, em thì còn lâu nhé. Lấy chồng chứ có phải đi chợ mua thịt, mua rau đâu mà vội. 
Em chưa lấy chồng được đâu…
Mặc kệ bạn bè, người thân cứ thay nhau đón người về chung một nhà; em vẫn muốn về với ba má thôi. Đã bao lần người ta hỏi em sao chưa lấy chồng. Mỗi lần được hỏi như vậy em lại trả lời khác nhau.
Em tin rằng em vẫn chưa sẵn sàng rời ngôi nhà và những người thân yêu đã gắn với em từ lúc sinh ra để tới nhà anh đâu, chồng tương lai của e ạ. Thật khủng khiếp khi mình rời nơi mà em cho là dù bất cứ đâu có xua đuổi em, chán ghét em thì nơi ấy vẫn mở rộng vòng tay chào đón em trở về. Nơi đó có ba em, người ba nghiêm khắc nhưng luôn dành cho em những thứ ngon nhất.
Có má em, người sinh em ra, hay mắng em nhưng những lời mắng yêu đó đã dạy dỗ em nên người. Quan trọng là có anh trai nữa, người bạn đồng hành luôn chăm sóc, yêu thương và bảo vệ em. Em vẫn còn muốn ở bên cạnh để chăm sóc, nấu những bữa cơm ngon cho những người thân yêu đó. Liệu như thế có đúng hay không, em chưa đủ can đảm để bước ra khỏi ngôi nhà đó, nơi bình yên nhất thế gian này.
Sao mà lấy chồng được khi mà em sợ mối quan hệ mẹ chồng với con dâu, mối quan hệ của dâu với nhà chồng.Dù biết rằng bây giờ mọi thứ đã khác xưa, đa số mẹ chồng đã thôi khắt khe với con dâu, nhà chồng đã thôi làm khó con dâu. Nhưng sao mà em thấy sợ đến thế, sợ bàn tán, sợ cãi cọ, sợ không vừa lòng, sợ những lời nói xấu ác ý.
Có thể mẹ chồng, gia đình nhà chồng yêu thương em, nhưng thử hỏi làm sao họ có thể yêu thương một người lạ nhiều hơn con cháu họ được. Nếu một ngày em không thể nhẹ nhàng, hiền dịu mà buông lời to tiếng với anh hay ai đó trong nhà anh.Thì em có đúng thì cũng là sai thôi, làm sao mọi người có thể phân xử công bằng được.
Dường như ai cũng có thể phân biệt đúng sai nhưng còn xen vào đó là tình cảm, là ruột thịt – Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Em bây giờ mới chỉ biết là không thể công bằng chứ chưa đủ lớn để hiểu và thông cảm hay chấp nhận điều đó.
Em còn trẻ con lắm, ham chơi lắm chưa lấy chồng được đâu. Mọi người hay hỏi má em:
-Con bé nó cũng lớn rồi, sắp lấy chồng chưa chị?
Má em liền đáp:
– Ai mà lấy nó, nhà trẻ may ra nhận nó, chứ nhà người ta rước nó về làm chi. Họ có rảnh đâu mà muốn trông trẻ.
Vâng, tuổi em thì nhiều nhưng tâm hồn trẻ thơ thì sao mà lấy chồng, sao mà đảm nhận được việc này việc nọ nhà người ta. Giờ mà còn nũng nĩu ba má mua kẹo cho thì tạm miễn cái khoản lấy chồng. Em vẫn còn muốn thực hiện ước mơ này, dự định khác. Về nhà chồng rồi bao nhiêu việc phải lo, đâu tự do tự tại như lúc này. Lúc đó phải công dung ngôn hạnh thì lấy đâu ra thời gian mà làm theo ý mình. Em vẫn còn muốn làm hoa cỏ dại giữa đồng hoang hơn một đóa hoa quý nơi vườn nhà sang trọng
Quan trọng là em đã có người yêu đâu mà cưới với chả xin. Nhiều lúc nhìn người ta mặc váy cưới em cũng muốn, nhưng lại buồn vì đã có ai đâu mà đòi như họ. Đôi khi em cũng mơ mình là cô dâu rồi mỉm cười hạnh phúc. Nhưng kể cả trong mơ em cũng chưa bao giờ nhìn thấy khuôn mặt chú rể. Thôi thì cứ độc thân đã vậy, vội vàng có được chi.
Chẳng lẽ em lại ra đường túm lấy một chàng trai rồi đòi yêu, hai ba ngày sau lại đòi cưới. Chuyện đó kể ra cũng hay và độc lắm, nhưng nắm vội một bàn tay thì chẳng hạnh phúc được đâu. Khác gì khi đánh bạc, ta cược thêm tiền mà chưa lật lá bài đã nhận. Ít nhất cũng phải biết trong tay có lá bài gì mới đặt cược hạnh phúc của tương lai chứ.
Em chưa vội kiếm người yêu, kiếm chồng đâu vì em chưa đủ trưởng thành, em vẫn còn xanh lắm. Làm sao mà sống cho đúng là vợ hiền, dâu thảo nhà người ta đây. Thôi thì em tạm thời độc thân rồi từ từ hoàn thiện bản thân đã. Chớ vội vàng quả xanh ép chín, quả mà chín ép không hỏng cũng chỉ là đồ bỏ đi.
Đợi khi trưởng thành em sẽ tìm anh, chàng hoàng tử của em. Chúng ta sẽ lấy nhau và em sẽ là cô dâu xinh đẹp nhất.

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Tiền và truyền thông



   Chúng ta ai cũng đang "găm giữ" một cơn giận và chỉ kiếm một lý do để bùng nổ! 
   Nếu bạn không có khả năng kiểm soát cảm xúc và đối thoại cởi mở, không định kiến - đừng tiếp tục đọc! 

   Nếu bạn tiếp tục đọc nhớ lưu ý - mọi cuộc tranh cãi thường không bao giờ có người đúng, kẻ sai - chỉ có thời gian (tiền bạc) bị lãng phí! 

Và giờ xin mời bạn tiếp tục đọc!

1. TIỀN - Tôi lựa chọn tấm ảnh trên bởi nó lột tả khá đầy đủ bộ mặt của truyền thông hôm nay - đó là một tờ báo lớn mà tôi đã từng cộng tác và kính trọng!

Ngày 10/10, trang nhất có bài "Nước + Hoá chất = Nước mắm công nghiệp" - sau khi đọc xong bài này, tôi chỉ có thể bình luận: một bài báo thiếu thông tin khoa học, chụp mũ có chủ ý, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Nếu là chủ doanh nghiệp Masan tôi sẽ chọn cách khiếu kiện tờ báo và tác giả bài viết này! (Lý do: tôi có thể chỉ ra rất nhiều lỗi kỹ thuật trong bài báo này, nếu tác giả muốn đối thoại).

Thế nhưng, không! Ở VN doanh nghiệp không chọn cách "tự sát" nhanh nhất là đương đầu với báo chí. Thay vào đó, họ dùng tiền để biến tờ báo thành công cụ rẻ mạt (tài sản mà ông chủ Masan đang nắm giữ có thể "mua" được 100 toà soạn báo như thế này - theo giá trị quy đổi bằng tiền)

Liên tiếp các ngày 12,13/10 một loạt các bài báo bốc thơm Masan xuất hiện trên chính tờ thanh niên và phủ nhận sạch trơn những lời lẽ cay nghiệt trong bài báo trước đó! 

Ngày 20/10, tờ Thanh Niên dành một trang trang trọng để đăng thông điệp truyền thông của Masan - đó là thông điệp gây ra cú sốc lớn đối với cộng đồng! Vì đồng tiền, tờ báo đó sẵn sàng giáng thẳng cú đánh vào sự tồn vong của khoảng 2800 nhãn hàng nước mắm khác!

2.TIỀN - "Hội bảo vệ người tiêu dùng" cho đến thời điểm này cũng đã trắng mắt ra vì sự ngô nghê, ngây dại của họ khi mờ mắt vì tiền mà ký vào một bản hợp đồng rủi ro uy tín nhất - hợp đồng "bảo kê" truyền thông.

Đáng thương, vì họ - tôi biết - hầu hết là những cán bộ bộ Công thương đã nghỉ hưu, nay vận hành một tổ chức hội phải tự chủ tài chính - trong khi, chính bản thân những cựu cán bộ kia cả đời chỉ biết đến ăn bám vào bộ máy Nhà nước. Họ đang thiếu và khát tiền - họ bị đẩy ra tuyến đầu để hứng đạn, và họ không "sợ hãi"! Vì đồng tiền họ đã bán rẻ danh dự đã vun đắp, gìn giữ trong suốt gần hết cuộc đời!

3.TIỀN - Hôm nay, một làn sóng tẩy chay các sản phẩm của Masan mạnh mẽ trên mạng xã hội. Những người anh, người bạn tôi, là lãnh đạo của một cơ quan báo chí lớn cũng đã trưng ảnh bộ sưu tập sản phẩm của Masan ra và kêu gọi tẩy chay, là một lãnh đạo của một cơ quan Nhà nước về chống hàng giả, hàng lậu cũng bức xúc kêu gọi tẩy chay, là một doanh nhân trẻ uy tín từng tham gia ứng cử đại biểu quốc hội đã live stream hành động đổ chai mắm Nam ngư vào bồn cầu,.. Và còn rất nhiều những con người tôi rất kính trọng khác.

Họ khinh bỉ đồng tiền bẩn! (Mà tiền thì có sạch bao giờ - trừ tiền mới in).

4.NƯỚC MẮM TRUYỀN THỐNG CÓ SẠCH ?! 

-Tôi khẳng định với bạn nước mắm cổ truyền không sạch (theo nghĩa đen). Bởi bạn chưa từng chứng kiến (tôi đã tận mắt đi, xem, ghi hình và có nhiều tư liệu ..) cách mà những ngư dân vựa mắm lớn nhất cả nước Phú Quốc đánh bắt, ướp muối, vận chuyển - gồm cả hót đủ thứ rác vào cá nguyên liệu, ướp trong các thùng trượp - gồm cả nhảy và dẫm bằng ủng, chân đất, khạc nhổ, mồ hôi..

-Mắm ướp chượp quá ngày - phân hủy sang đến giai đoạn thối, có mùi nặng - lúc này chất lượng mắm không ngon - mắm không có lợi cho sức khỏe, nhưng vị thì ngọt hơn hẳn mắm ướp chượp vừa tới! Mùi này rất đặc trưng của xưởng mắm (Quý vị đi Phú Quốc thì hầu hết chỉ được vào nhà trưng bày có đâu đó 20-30 thùng chượp lúc nào cũng thơm mùi mắm, sạch sẽ - cũng đối nghịch hẳn so với khu xưởng chính)

-Mắm có nhiều loại, miền Bắc làm một kiểu (đảo trộn để tăng hoạt động của vi khuẩn lên men - thành phẩm mất khoảng 6-7 tháng), miền Nam kiểu khác (ủ chượp không đảo trộn trong suốt 10-12 tháng nhờ thời tiết chỉ có nắng quanh năm ổn định), nhưng "bẩn nhất" là mắm miền Trung, con cá đưa vào ủ mắm phải là cá đã chết thối phơi một nắng.

-Mắm truyền thống là mắm hầu hết sử dụng công đoạn pha loãng (hạ cốt) bằng cách chiết rút hết phần mắm nhĩ (khoảng 45 độ) và sau đó đổ nước muối trung hoà vào thùng chượp để rút ra nước 2, nước 3, nước 4 có độ đạm khoảng 35-20 độ.

-Mắm truyền thống có pha chất điều vị, bảo quản và đường,.. Điều này được thực hiện gần như 100% với tất cả những sản phẩm mắm truyền thống sản xuất ở quy mô công nghiệp. Không pha phách đố các bạn nếm được.

-Mắm truyền thống không/ hạn chế thực hiện công đoạn khử trùng diệt các vi khuẩn, đặc biệt vi khuẩn "hám diêm" có trong muối mặn gây ra bệnh đường ruột.

-Đến đây, bạn có thể phản biện, mắm ăn cả nghìn năm nay đâu có làm sao? Phải! Vì chúng ta dùng mắm như "gia vị" có nghĩa là "ăn" theo đơn vị tính bằng giọt, nên ảnh hưởng không xi nhê'. Vì cụ kị, ông, bà, bố mẹ ta ăn mắm nên cơ thể ta sau nhiều năm đã tự điều chỉnh để thích nghi với mắm và các vi khuẩn có lợi, hại trong mắm. Ối thằng Tây lông ăn mắm như nhà mình và vẫn bị đau bụng..

Mắm cổ truyền thường làm với quy mô nhỏ, cho nhà ăn, hàng xóm quanh quanh ăn, nên nó được thực hiện với quy trình sạch sẽ đầy trách nhiệm.

Và vì thế, hiếm mà có chuyện ngộ độc vì mắm..cổ tuyền"

5.MẮM CÔNG NGHIỆP CHỈ CÓ NƯỚC LÃ VÀ HOÁ CHẤT?

-Nói cho nó vuông là đúng! Nhưng, bạn dễ bị cảm xúc đánh lừa nếu dùng các chữ "công nghiệp", "nước lã", "hoá chất". Hãy bình tâm lại, nếu nó được gọi bằng cái tên khác thể hiện đúng bản chất mà đỡ "kinh" hơn!

MẮM CHẾ BIẾN TRÊN DÂY CHUYỀN HIỆN ĐẠI, HẠ CỐT NHANH BẰNG QUY TRÌNH PHA LOÃNG NƯỚC CÓ SỬ DỤNG CÁC CHẤT ĐIỀU VỊ, BẢO QUẢN VÀ HOÁ THỰC PHẨM TẠO MÀU, MÙI AN TOÀN

-Phải công bằng mà gọi là mắm chế biến hiện đại được chế biến từ Mắm (cốt nhĩ, cốt nước 2,3) pha loãng (hạ cốt) từ 45 độ xuống 10 độ trên dây truyền công nghiệp nhanh chóng - bởi công đoạn hạ cốt trong phương pháp ủ chượp truyền thống mất tối thiểu cũng 3 tháng (với nước lần 2,3) - dây chuyền sản xuất này hạ cốt mắm xuống 10 độ, tức là chỉ bằng 1/2-1/5 so với nước mắm nguyên chất có độ đạm cao.

Và họ làm vậy để làm gì?

-Giảm giá thành chai cốt nhĩ cao đạm (200k/lít) bằng mắm độ đạm thấp nhờ pha loãng nước (49k/lít) 
-Pha loãng thực hiện với quy mô công nghiệp sử dụng các hoá thực phẩm để tạo ra sản phẩm mới : vị ngon (Tuỳ cái lưỡi từng người), tiện lợi 
-Xử lý diệt khuẩn, kiểm soát lượng thạch tín, chì, sắt, ... tự nhiên xuống mức an toàn cho sức khỏe bằng dây chuyền công nghiệp. 
-Đưa vào chất bảo quản để giữ cho mắm lâu hỏng - giải bài toán phân phối, lưu kho,.. và người tiêu dùng thì mở ra đóng vào nắp chai, rót ra rót vào cả tháng mà mắm không hỏng - trong khi mắm truyền thống thì 3-4 ngày bị nhiễm khuẩn là hỏng.

6.BÀI TOÁN HƠN THIỆT?

-Nam Ngư, Chin-su là sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ (bình dân) - thế nên đừng đòi hỏi và so sánh với các loại mắm đặc sản khác - nhưng nó chiếm tới 75% thị phần! Điều này thì có gì lạ? Khi mà số lượng người tiêu dùng có thu nhập dưới 60 triệu/ năm chiếm tới 80-90% dân số? Vì là sản phẩm "công nghiệp" nên nó nhanh, rẻ, tiện,.. và giải được các bài toán mà các thương hiệu mắm truyền thống không làm được: 

+/kỹ thuật hạ cốt mắm cho độ đạm thấp mà không làm hỏng mắm, thời gian bảo quản lâu dài,.. 
+/tạo ra được đúng sản phẩm cho đúng phân khúc khách hàng 
+/giá phù hợp 
+/ sản xuất trên dây chuyền hiện đại với quy mô công nghiệp nên có số lượng đáp ứng đủ nhu cầu thị trường (đố ông mắm truyền thống nào sản xuất nổi 100 triệu lít/năm) 
+/ marketing bài bản ....

RỒI SAO?

Hãy bình tĩnh xem lại bài báo trên Thanh niên tôi lấy làm ví dụ!

Hãy trả lời thẳng thắn! Nếu có thằng Chí Phèo đang yên lành, một ngày đẹp trời đến trước nhà hàng của bạn mà vu vạ bạn bán đồ đểu, rẻ tiền,.. bạn có sôi máu không?

Phải! Nó rẻ tiền thì nó có người ít tiền mua! 

Nhưng, bán đồ rẻ tiền vẫn có thể là đại gia, thậm chí càng dễ thành đại gia. Mà đại gia bị chửi thì có ức không?

Đại gia biết thằng Chí phèo chỉ muốn chửi để kiếm tí rượu thịt, thế nhưng, để ngoi lên vị trí số 1 không dễ, cũng phải tiêu diệt ối đối thủ cạnh tranh, thế nên đại gia nghi thằng Chí bị đám kẻ thù nó bơm tiền giật dây!?

Và hậu quả của cuộc chiến truyền thông nước mắm là ngày hôm nay!

Nếu không có nước mắm giá rẻ, người tiêu dùng có thiệt hại hay không? Nên nhớ 98% người VN có thu nhập đầu người loanh quanh 24 triệu/năm. Liệu họ có sẵn sàng bỏ 2 triệu/ năm để ăn mắm cốt nhĩ?

Nếu chúng ta tẩy chay thành công Masan thì có thêm bao nhiêu người lao động và gia đình họ đói ăn?

Nếu ta tẩy chay thành công mắm truyền thống thì có bao nhiêu người treo cổ tự tử?

Và cuối cùng thì mắm có ASEN cao hay thấp vẫn không ảnh hưởng đến bất cứ sức khỏe của ai - mắm vẫn là mắm dù rẻ hay đắt!

VẬY NẾU?

Chúng ta không có những bài báo thiếu trung thực, thiếu nghiêm túc và khoa học, vu vạ kiểu chí phèo thì có cuộc chiến này không?

Nếu không có các toà soạn báo chủ trương "tiền binh, hậu lễ" - kiếm cớ đánh cho chúng mày nôn tiền ra - thì có cuộc chiến này không?

Nếu không có đám PR truyền thông ngu ngốc đưa ra các chiến lược trả thù, đâm thuê, chém mướn, gắp lửa bỏ tay người... thì có cuộc chiến này không?

CÒN CHÚNG TA?

Chúng ta vẫn tiêu dùng như đã tiêu dùng - tất cả vì bài toán kinh tế - chứ không phải vì một KOL nào đó khuyên ta dùng cái này hay bỏ cái kia! Bởi chẳng có vấn đề gì ở đây cả!

Ta chỉ đang nạp những năng lượng tiêu cực vào người với tần suất ngày một dầy hơn!

Ta đòi công bằng và lẽ phải, đòi xử tử kẻ chơi đòn dưới thắt lưng, nhưng quên mất kẻ thù nguy hiểm nhất là truyền thông bẩn!

Ta đang tiếp tục trở thành nạn nhân của truyền thông, đổ bỏ sản phẩm có giá trị, lãng phí tiền bạc, khiến cho cộng đồng hoang mang..đe doạ đến sinh kế của nhiều người lao động!

THẾ THÌ LÀM GÌ BÂY GIỜ!

Hãy có thói quen cân nhắc, phân tích độc lập trước tất cả thông tin tốt/xấu mà bạn thu nhận được - nếu được chỉ nên tiếp nhận thông tin có ảnh hưởng hay liên quan đến bạn!

Hãy tẩy chay các đơn vị truyền thông vô đạo đức!

Hãy để cho cơ quan chức năng thực thi hành động của họ! Nếu kẻ thủ ác có tội, nó sẽ phải đền tội! (update: Bộ trưởng 4T đã chỉ rõ thông cáo của VINASTAS có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đề nghị điều tra. Cứ điều tra từ đấy là ra hết).

Hãy ăn nước mắm vẫn ăn như chưa có gì xảy ra!

Nếu đủ kiên nhẫn đọc bài này đến đây, hãy like, comment động viên và share nó cho bạn bè của bạn! Đó là niềm khích lệ đối với tôi! Vì tôi cũng có nhiều việc ra tiền nhưng vẫn lọ mọ đêm hôm để cung cấp cho bạn những thông tin tôi đã mất công sưu tầm, nghiên cứu - Tất cả đều miễn phí dành cho bạn!

HÃY MẶC MẸ truyền thông! 

***

P/s: Bài của đồng chí Ben Nguyen mặt CHẦU LÔN kính mến!

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Lộn Làng




Làng tôi bé như con ốc mút. Trước bến sau lại sông. Nó như khúc ruột thừa, đậu giữa ruột già và ruột non. Rất vô tích sự.

Nhưng theo những gì bố kể lại, thì làng tôi có đủ đặc trưng và phẩm chất của một làng quê Bắc bộ đơn thuần. Tức là có miếu thành hoàng, có cây đa, giếng nước và mái đình. Mỗi tội sau cải cách ruộng đất, rồi bài phong, đả thực thì những thứ kia tiệt đi cả. Đại khái thì miếu thành hoàng thành bãi cột trâu, giếng đình thành nơi thả cá, đa được ngả ra cho đống nhấm đêm đông, đình làng thành nhà kho hợp tác.

Nhẽ vì thế mà làng tôi ngày càng mạt. Chứ như xưa, vẫn theo những gì bố tôi biết thì trong tổng, làng tôi giàu và đẹp nhất. Lại có nhiều người đi ra, làm cả cách mạng, làm quan trên tỉnh và cả cho Tây.

Làng tôi có từ thời nào thì chẳng ai biết. Chỉ biết được lập nên bởi một ả liền bà. Khi bà chết đi thì có miếu ở chân cồn. Nhưng nhẽ là liền bà nên người ta không phong là thành hoàng, mà chỉ gọi là bà cô tổ. Miếu đó gọi là miếu bà cô tổ. Tôi gọi là miếu thành hoàng làng để cho sang, cho oách, không hơn.

Còn như đình làng, xưa chỉ là cột kèo bằng gỗ xoan, gỗ mít, mái lợp là rơm rạ, trống hoác hơ, mặt chính quay ra bến. Đó là nơi tụ bạ của ông lý và một lũ bần nông mỗi khi làng có việc. Hoặc chỉ là nơi người ta túm tụm sau những cữ cày bừa hay nằm khểnh dạng háng tè he những trưa hè. Mãi sau, đình mới được làm bằng gỗ lim và gạch nung, mái cất ngói âm dương óng ả. Đó là công của cụ Siêu, cự phú trong làng. Chả là cụ bỏ tiền cho làng làm đình mới, đổi lại, cụ thành ông lý. Danh hão thôi. Để cụ được gọi là ông lý Siêu.

Đấy, mọi thứ to nhớn và đẹp đẽ thế. Vậy mà trong một khúc rẽ định mệnh chông chênh của lịch sử, tất cả đã tan hoang. Chẳng còn sót lại gì, kể cả trong tâm tưởng.

Khi tôi lớn lên, làng tôi hẵng còn đẹp. Con đường chính kéo dài từ đầu đến cuối làng đỏ ối những hàng râm bụt, giậu cúc tần biếc xanh vương vấn bụi dây leo tơ trời vàng óng. Cả những thân cây rưới dại cổ thụ sù xì, bốn mùa cho quả chín mọng, ăn ngọt lật. Phía cuối sông, đầu bến, tre kẽo kẹt ru giấc mộng đêm hè. Trong các lối xóm, ngõ vào nhà thẳng tắp bởi những hàng rào chè mạn. Nhà kiểu cách xén tỉa phô trương, phường giá áo để um tùm, rậm rạp. Vườn ai nấy cũng biếc những màu xanh, ngăn cách bởi phên tre đan vội. Ẩn hiện trong đó là những mái ngói thâm nâu, những mái gianh mục mốc và những cư dân còi cọc lắm điều nhưng cũng rất đỗi thân yêu.

Còn như bây giờ, làng tôi khác lắm. Người ta đập hết những mái ngói thâm nâu mà xây nhà tầng chóp nhọn và dỡ hết mái gianh để thay vào đó là mái bằng bê tông chắc chắn như nhà tù. Con đường chạy dọc làng đẹp là thế, họ cũng đổ cấp phối đá răm. Những bờ rào dâm bụt, cúc tần, trà mạn phát tiệt đi cả, thay vào là tường gạch, tường vôi. Mà lại theo lối bần nông, mỗi nhà nhích ra một tý. Đường làng bỗng chốc thành con rắn hổ mang đang cố bò quanh co để lột xác vào mùa cải lão. Những bụi tre cuối sông đầu bến cũng thôi kẽo kẹt. Thay vào đó là tiếng kẽo kẹt của vó bè kéo cá mùa lụt. Và hơn tất cả, những cư dân ngày thêm còi cọc và phủ phê sự lắm điều nhiêu khê. Sự thân yêu may chăng chỉ còn gói ghém chút ít trong cái gọi là anh em, họ mạc.

Tôi chẳng biết buồn hay vui vì sự thay đổi của làng. Chỉ biết miếng đất quay mặt ra bến ngày xưa là đình, sau bao năm tan hoang đã được một ông trong làng cất nhà mái bằng nguy nga trên nền cũ. Ở chưa được năm thì mất chức chủ tịch xã và đi tù, con cái phiêu diêu ly tán cả. Nó trở thành nhà hoang, không ai dám ở. Tiền nhân ơi, quở phạt con cháu đến thế sao? Nỡ nào?

Giếng đình sao bao năm làm nơi nuôi cá, giờ cũng được nạo vét để cả làng tắm gội. Chỉ thương gốc đa già là không thể nào có lại được. Người ta trồng vào đó mấy gốc bàng lá đỏ. Mộ bà cô tổ cũng được dựng bia, bao tường. Mỗi tội ít thấy người khói hương trừ dịp thanh minh hay tết nhất.

Bỗng chốc, làng tôi trở thành làng văn hóa. Vì những thứ thay đổi kia hay làng tôi có văn hóa thật?. Thế còn những làng không được công nhận là văn hóa thì vô văn hóa hết sao? Hay chưa có văn hóa?. Tôi chịu. Bởi cái xứ sở này, họ phát kiến ra nhiều khái niệm và ý tưởng vĩ đại lắm, không ở đâu có và bì kịp. Người ta bắt đầu bàn chuyện phục dựng lại đình làng theo kiểu thày bói xem voi, cãi nhau lấy được. Chán chê thì mời trên tỉnh, trên huyện xuống tư vấn, tham mưu. Vẫn không xong. Người ta còn a lố a lồ cho tôi mời cả trung ương về nữa kia. Tôi chả dại.

Thế là tịt. Và để xứng danh là làng văn hóa, người ta đập nát cái nhà bê tông hoang hóa kia đi và thay vào đó bằng một cái nhà bê tông khác, nghễu nghện trên nền cũ. Trên biển đề: Nhà văn hóa thôn Phúc Hậu. Chả là làng tôi có tên Nôm là Phúc Hậu. Nhưng khốn thay, các cô dâu mới về làng lại đặt ra một cái tên khác rất ác là làng Hốc Hại. Là ăn hại đó, thưa các bạn. Bởi đàn ông làng tôi được mỗi cái nết quanh năm tứ tán làm thuê và rượu chè và đánh vợ.

Tôi may mắn thoát li. Mỗi bận nghĩ về làng là mỗi lần ái ngại. Nhưng đó vẫn là chốn tôi đi về và cũng có thể là nơi... an nghỉ.


Làng tôi lâu rồi không có hội
Trai đinh tứ tán tám phương
Gái gian díu theo phường đi mất nết
Đình chùa thánh phật liêu xiêu.

Làng tôi lâu rồi không có hội
Điệu hò đi cấy buông xuôi
Giăng vẫn sáng nhưng sen thời chết tiệt
Gầu sòng tát cạn thế tình mỉa mai.

Làng tôi lâu rồi không có hội
Yếm đào tơi tả giậu thưa
Mắt lúng liếng nhìn tơ hồng vương vãi
Trông ngóng người về xa xăm.

Làng tôi lâu rồi không có hội
Trống đình bục cả đai hường
Bô lão đêm về hay dạ cổ
Vàng son khóc nỗi hoài lang.

Làng tôi lâu rồi không có hội
Chuông chùa đánh tiếng than van
Người bỗng đâu kéo về như kiến cỏ
Phật buồn đời đổ bóng xuống lòng sông.

Làng tôi lâu rồi không có hội
Để tôi về tìm tôi
Tìm lại bà răng hạt na bỏm bẻm
Tìm em mũi dãi sụt sùi.

Làng tôi lâu rồi không có hội
Tôi đi hoang suốt cả tháng năm dài
Nụ hồng biếc tay không thèm hái
Biết để tặng ai?

Làng tôi lâu rồi không có hội
Tôi cũng không còn là tôi
Còn mỗi chút tình nhung nhớ
Nhưng làng tôi không có hội đã lâu rồi.

Làng tôi lâu rồi không có hội!

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Người đàn ông nói về mình (ở tuổi 43)

Trần Vàng Sao

1. tôi tuổi tỵ
năm nay bốn mươi ba tuổi
thường không có một đồng trong túi
buổi sáng buổi chiều
thứ hai thứ ba thứ bảy chủ nhật
trong nhà ngoài sân với hai đứa con
cây cà cây ớt
con chó con mèo
cái đầu gãy cái tay gãy của con búp bê
cọng cỏ ngọn lá vú sữa khô
thúng mủng chai chén sách vở quần áo mũ nón cuốc rựa trên ghế dưới bàn
hai ba ngày một tuần một tháng có khi không đi đâu hết
một hai ba giờ sáng thức dậy ngồi vác mặt ngó trời nghe chó sủa
miếng nước trà mốc nguội có mùi bông lài rát cổ
cũng không có chi phiền
vấn một điếu thuốc hút
hai ba lần tắt đỏrồi nửa chừng rách giấy
bạn bè gặp nhau
cho uống một ly cà phê
một lần
qua hai lần phải tránh
không phải ai cũng nghĩ như mình
nhiều đứa vui gặp nhau cho năm ba đồng một chục
đưa tay cầm lấy
miệng nói không được
2. tôi thấy tôi như người tù được thả rông
lang thang giữa đường giữa phố
nhìn hết mọi người
xem mình lâu ngày mặt mũi có khác người không
tôi đi lui
tôi đi tới
phố phường đông chật
tiếng cười tiếng la tiếng nói tiếng xe cộ
chẳng có ai quen thử nói chào tôi một tiếng
tôi đưa hai tay lên đầu vuốt tóc
lấy chân hất một hòn đá
cúi xuống nhìn mấy bao thuốc không bên lề đường
rồi đi về
qua cầu dép sút một quai
tôi không muốn nhớ gì hết
3. tôi ngồi trên hòn đá trước nhà
buổi chiều không có một con chim đậu trên cây
đám trẻ con chia phe bắn nhau cười la ngoài sân
đứa sống đứa chết cãi nhau ăn gian chưởi thề
những người đi bán về nói chuyện tiếng to
hai đứa nhỏ nhà bên cạnh cầm đèn che miếng lá chuối qua xin lửa hỏi tôi chưa nấu cơm tôi cười lắc đầu muốn đi ngủ
trong gió có mùi rơm cháy
tôi không biết làm gì hết
tôi bỏ hai chân ra khỏi dép cho mát
đám trẻ con bỏ chơi chạy theo phá đàn trâu bò đi qua
tôi bước vào nhà mở rộng hai cánh cửa lớn thắp một cây đèn để lên bàn thờ
hai đứa con ra ngoài đường chờ mẹ chưa về
rời còn lâu mới tối
tôi đi gánh một đôi nước uống
4. tôi sống yên ổn với những việc làm hàng ngày ở nhà của mình
không định được ngày mai
có một đồng để mua cho con nửa cái bánh tráng hay hai cái kẹo gừng
có hai đồng cất dưới chân đèn trên bàn thờ lỡ khi hết dầu thắp tới bữa thiếu ruốc hết bột ngọt
mả cha cuộc đời quá vô hậu
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất
5. lâu ngày tôi thấy quen đi
như quen thân thể của mình
tiếng ho gà nửa đêm của những đứa bé chưa đầy hai tuổi buổi chiều không có cơm ăn
những con ruồi ăn nước mũi khô trên má những đứa đau quan sát
những con chuột chết lòi ruột ở bến xe đò
những tiếng cha mẹ vợ chồng anh em con cái chưởi bới la hét trong bữa ăn
người điên ở trần đứng làm thinh giữa trời mưa ngoài chợ
những ngày hết gạo hết tiền hết củi muối sống không còn một hột của tôi
những trách canh rau khoai tháng năm không có bột ngọt
hai mắt tôi mở to
đầu tôi cúi thấp
miệng tôi há ra
những lá khoai nhám và rít mắc vài hột cơm dồn cứng chật cuống họng
nói thật lúc này tôi muốn được say rượu
hoạ may thấy một đồng thành ba bốn đồng
6. nhiều khi tôi quá chán
chân tay rã rời
đầu óc đau nhức
không muốn làm gì hết
mấy đứa nhỏ chơi buôn bán bỏ đi đâu không biết để đất đá lá cây đầy nhà
tôi dựa cửa ngồi yên một chỗ
dụi mắt nghĩ hết chuyện này tới chuyện khác
nói chi tới những đứa đã chết trên rừng giữa phố
bạn bè có đứa giàu có đứa nghèo
đứa nguỵ đứa cách mạng
đứa tiền của ăn tiêu mấy không hết
đứa không có được một cái áo lành
đứa đi kinh tế mới ba bốn bảy tám năm trở về xách một cái bị lác
mặt cắt không có hột máu
đứa đạp xe thồ ngồi vắt chân ăn củ sắn chờ khách ở bến xe
đứa vô tích sự ở nhà không có việc chi làm
có đứa râu tóc dài che kín mặt
có đứa tàn không nhớ mình tên chi
có đứa chịu không nổi dắt vợ con vào nam ăn chợ ngủ đường
mỗi lần gặp nhau mở to mắt cười hút một điếu thuốc lắc đầu
hết chuyện nói
hai đứa con đi chơi về cười nói
đứa nhỏ bắt tôi đánh trống cho nó làm ông địa múa thiên cẩu
cái trống lon mặt ni lông và hai chiếc đũa tre
tôi đánh
múa đi các con
này đây cái nón gãy vành làm đầu thiên cẩu
và sợi dây chuối treo ngọn lá làm tiền
múa đi các con
cái bụng ông địa to tròn giơ lỗ rún gài nút áo không được
ông địa chống tay vỗ bụng ngửa mặt lên trời cười ha ha
tôi vỗ tay hoan hô
và không biết mình có nhớ ra được cái mặt ông địa không
Tháng 9-1984


Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

HẠNH PHÚC MỘT TANG GIA

Tôi vô phép lấy cái tít của một chương trong Số Đỏ của cụ Vũ Trọng Phụng để đặt tên cho chuyện kể dưới đây.
Ấy là tôi có anh bạn, chẵn năm mươi mùa lá rụng mà chẳng vợ con gì ráo trọi. Anh không phải dạng “ ẩm IC” do nấm mốc vùng bộ hạ hay “ chập mạch” do quạt trần rơi vào đầu, càng không phải nghèo hèn hay đốn mạt. Trái lại, anh trí tuệ, hào hoa, đóng chức đầu lãnh của một doanh nghiệp nhà nước hạng ruồi.
Nhà anh ba đời độc đinh. Sự thể ấy như là định mệnh nên đến đời anh thời muốn hoán cải nó đi chăng? Thì bằng chứng là anh chẳng thèm lấy vợ đấy thôi. Anh sống bằng an với ông bố tròm trèm tám mươi trong căn nhà rộng có nhiều ban-công trổ ra rất khéo nơi phố hẹp.
Tôi thi thoảng hay bia hơi thịt chó cùng anh. Cứ đến đận ngà ngà là hay la đà gợi chuyện vợ chồng con cái nhưng anh tuyền gạt đi, bảo một mình quen rồi, dan díu vào thời vướng víu. Tôi tin anh thật thà và cũng có thể anh là một tín đồ của chủ nghĩa độc thân nhưng lắm khi nghĩ đi nghĩ lại cũng thấy thế nào. Người như anh chả vợ con gì kể ra cũng hơi phí của.
Hôm lận bâu được chút tiền còm tôi gọi anh đi đổi món, nâng cấp bia hơi thịt chó lên vang đỏ thịt bò, nhưng anh bảo bố anh mất, không đi được. Tôi lấy làm xót xa nên có dài dòng văn tự mà an ủi và ngỏ ý đến phúng điếu chia buồn. Anh gạt đi, rằng có gì sẽ thông báo. Giọng điệu anh nghe tỉnh táo lắm, chả có chút gì gọi là bối rối tang gia.
Chẳng có thông báo gì ráo nên tôi phải canh me đúng dịp cúng ba ngày mà gọi điện. Phía đầu giây bên kia ồn ào lắm. Thay cho lời chào thì tôi hỏi, đang làm ba ngày à? Anh bảo không, đang bia hơi trên phố, rảnh chạy lên đây uống cho vui. Tôi hơi chột dạ. Quái lạ cái nhà ông này. Bố chết mà cứ như không.
Mãi sau này tôi mới hiểu chuyện, rằng việc bố anh mất là sự thật nhưng cái làm tôi không tin là anh lẳng lặng thuê xe chở xác ông cụ đi hỏa thiêu rồi cất bốc tro cốt bỏ lọ mang lên công viên Vĩnh Hằng chôn lấp. Về cái chết của bố anh, tôi luôn có cảm giác là ông cụ đang nằm trên giường thời chuyển xuống nằm xuống đất vậy, nhẹ nhàng như cú trở mình hụt hẫng ban mai.
Anh thuyết, rằng độc đinh nên chả có anh em, lối phố thời chật chội, bạn bè bận làm bận ăn thì cái việc tang ma rình rang là không cần thiết. Vì một chút nghĩa tử nghĩa tận mà gây ra nhiều những phiền lụy lại càng rất không nên. Vả lại bố anh chết rất “đúng quy trình” của cái gọi là sinh – lão – bệnh – tử. Vậy thì hà cớ gì cứ phải rùm beng? Tôi nghe cái lý sự của anh mà ngao ngán cho cái nết văn minh ấy lắm. Nhưng anh bảo việc này không do anh nghĩ ra mà là di chúc bố anh để lại. Ông cụ muốn ra đi yên lành như thế và cái chính là thương anh một mình vất vả lo chuyện tang ma nhiễu sự.
Sẽ chẳng nhiều ai biết việc bố anh ra đi. Lối phố dường như cũng thế. Và quan trọng là anh rất vui vẻ và luôn có cảm giác ông cụ vẫn lẩn khuất đâu đó trong nhà, có trống vắng chăng cũng chỉ là đi chơi đâu xa ít bữa.
Mấy hôm nay tôi mất ngủ bởi sát vách có người già ra đi vì tuổi tác. Ngõ xóm lúc nào cũng rầm rập tiếng chân người và những điệu bi ai của phường bát âm não nuột. Sự thể ấy kéo dài hơn mức bình thường bởi nghe đâu còn chờ đám con cháu ở xa về.
Thôi thì thức một chút để cho người ngủ giấc thiên thu an lành vậy.


Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Vợ vắng nhà

Những gã giai trưởng thành sướng nhất khi nào? Thưa ngay, khi vợ vắng nhà. Tôi cũng như bao gã giai khác nhưng tận hưởng sự vắng vẻ đó theo lối riêng của mình.
Việc đầu tiên là dậy muộn và nổ một phát trung tiện thật to, sau đó moi điện thoại nhá tin cho một cô nàng đỏng đảnh hẹn hò đi cafe hoặc đi ăn hoặc đi... ngủ tiếp, tùy vào cái sự vắng vẻ lâu mau của vợ.
Vợ tôi vắng nhà không mấy lâu. Thường thì ả công tác công toi hai đến ba ngày là về ngay tắp lự, năm cũng chỉ dăm bận, còn thì hết 8 giờ vàng ngọc là lù lù một đống giữa nhà.
Thế nên sự vắng nhà của ả cho tôi nhiều hân hoan và giá trị bởi đời tôi, suy cho cùng, chả khác mấy thằng tù và ả là tên quản giáo tận tâm nhưng gian ác vô biên. Thực ra thì tôi muốn kể những gì thuộc về tôi khi vợ vắng nhà nhưng tự thấy không có gì đáng kể khi tôi tham dự một bữa tiệc tại gia mà bạn tôi tổ chức. Hắn gọi tôi từ đầu chiều, rằng thì là mà có nửa con lợn còi, đôi chai diệu ngon, vài bần nông mắt toét ngoi lên tự ở dưới quê cùng dăm ba cộng sự ở hãng luật mà hắn là thành viên sáng lập. Kể ra thì thành phần và cơ cấu mồi nhậu thế cũng ổn nên tôi hăm hở nhận lời ngay và lon ton đến sớm, lúc ông mặt giời vửa thẹn thùng mất dạng. 
Hắn đón tôi vồn vã, thay câu chào là một tuyên bố hân hoan, rằng hôm nay vợ vắng nhà. Tôi hỏi đi công tác à? Hắn nói đếch đâu, dẫn hai đứa chọi con sang thăm ông bà ngoại.
Hóa ra cái sự vợ vắng nhà của hắn không hoành tráng như tôi tưởng mà chỉ là việc “ con đò dịch đít sang ngang”.
Hắn khuyến cáo tôi, cơ mà hôm nay anh em mình hơi vất vả bởi phải tự nấu, tự nâng và tự rót. Ngó gian bếp lạnh và hai bần nông một già một trẻ đang loi choi nhặt rau, rửa thịt tôi ngộ ra ngay. Nhưng có hề chi khi tôi chào hai bần nông kia bằng một câu cực kỳ rắm rít, rằng chả hay các bác mới ở quê lên? Họ dạ ran và gần như đồng thanh là chúng em vửa tới.
Thế thôi là tôi ra sa - lông nằm, hút xì - gà “đá “ với ổi xanh chẳng biết ai kháo dở nên hẵng còn nham nhở.
Khi mọi thứ đã dậy mùi và thơm nhức mũi mà vưỡn chửa thấy đám cộng sự tới, tôi tỏ ý sốt ruột nhưng hắn đã đập tan tâm trạng ấy ngay bằng việc dọn mâm bát sẵn sàng và giục ra đánh chén. Tôi lại tỏ ý hay ho và biết điều, rằng hãy chờ cho đông đủ. Hắn bảo không cần, tại sao chúng ta lại phải chờ những con người chậm trễ và kém văn minh trong phép hẹn hò uống ăn?. Tôi sướng quá.
Rồi chúng đến. Sự nhàn nhã uống ăn của hắn tiệt hẳn bởi theo sau dăm ba đứa kia tuyền những tật ách và tai ương. Ý tôi là vợ con chúng nó. Hắn biến thành một gã bồi chuyên nghiệp và nhiệt thành với câu cửa miệng không biết moi ra ở đâu hay tự nghĩ, là hãy để cho mình làm một người đàn bà khi vợ vắng nhà. Hắn làm mọi sự chuyên cần và mau lẹ, từ việc kê thêm bàn, bê thêm bát cho đến việc bố trí ghế đít nhiêu khê. 
Tôi chưa thấy gã đàn ông nào yêu bạn và những gì thiết thân của bạn như hắn. Bằng chứng là suốt bữa ăn ngoài việc hầu hạ dạ vâng lũ nhóc, gắp thức ăn cho các phu nhân, rót rượu cho bạn mỗi khi cạn, hắn còn làm một việc mà tôi không ngờ tới là đi dọn chiếu giải chăn, rằng ai say cứ ở lại, mai về. Tôi thì tôi đoán lo toan cho hai bần nông kia thôi bởi họ vửa ngoi ở quê lên, chắc có việc gì nhờ vả hoặc thăm thú hoặc chỉ để uống một bữa rượu say. Chứ như bọn tôi đây, sức mấy và hơi đâu.
Bọn cộng sự lục tục ra về khi cuộc vui vừa đến độ. Việc đi ăn uống tiệc tùng đưa tật ách và tai ương theo kể ra cũng hay ho nhưng ý thức trách nhiệm phải tăng - bo rất vất. Sự trách nhiệm không phải khi nào cũng tốt bởi nó phá hỏng những cuộc vui và dăm ba phút thăng hoa.
Mà với đời người, những lúc như thế đâu nhiều. Tôi không phải là thằng vô trách nhiệm nhưng nếu có thì trong những lúc như thế tôi sẽ tống cổ lũ kia đi. Có gì là khó khăn khi gọi một con taxi, đưa dăm đồng lẻ cùng mớ chìa khóa xum xoe. Tất nhiên sau đó lại là những ủ ê, chê trách, nhưng có hề gì, bản chất của các bà vợ là thế, vấn đề là dám chơi dám chịu thôi. Cái gì cũng có giá của nó, vấn đề là hãy cố gắng đổi chác cho ngang bằng, đừng hớ quá và cũng đừng thiệt thòi quá.
Chúng về, bọn tôi đâm vui hơn, sự nhàn nhã trở lại nhưng nhìn đống bát đĩa và sự bầy hầy thì tôi hiểu hãy còn nhiều gian lao lắm. Nhưng tôi hiểu sự gian lao kia sẽ thuộc về vợ hắn. Nhưng lại cũng oái oăm cho cái suy nghĩ của tôi khi vợ hắn gọi điện thông báo sẽ ở lại bên ngoại mai về bởi lũ trẻ ngủ tít mù nên không nỡ đánh thức giấc thần tiên. Thế cũng tốt, bọn tôi cũng đang thích lên tiên.
Tôi hợp với bần nông và thích nghe chuyện của họ. Hắn cũng thế. Suốt cả buổi hai bần nông ngồi bẹp dí chẳng biết nói chuyện gì. Thì một đằng tuyền những chuyện đến như tôi nghe nhiều khi còn khó hiểu thì hai bần nông tối ngày cua cáy đầm phá kia hiểu được nhẽ thành bố của thiên tài. Nay họ được mở lời và nói những câu chuyện gần gũi thì phấn khởi lắm, cứ choang choang. Phải nói sự chịu đựng rồi bùng nổ của họ quả là vô đối.
Tôi nốc nhiệt tình khi hắn động viên say thời ngủ lại và hắn sẽ tỉnh táo mà bá cáo với vợ tôi. Thằng điên, tôi mà đã uống, đã say thì đếch phải thưa gửi ai hết. Cả ngày tỉnh táo phải bá cáo, giờ say cũng bắt bá cáo là thế chồn nào? 
Tôi không nhớ đi về bằng cách nào và vào lúc nao. Chỉ thấy sáng mai trở dậy vai có dăm vết xước, đầu gối có vài vết thâm, ngực cũng phập phồng ít vết bầm và bên hông là một con “ giống ngắn ngày” tôi thi thoảng vẫn “ thâm canh tăng năng suất”. Bỏ mẹ thật, sao tôi lại có thể hoang đàng như thế được?.
Tôi gọi cho hắn, dặn nếu vợ tôi có gọi hỏi thì bảo là tôi rượu say mà ngủ lại đêm qua. Giọng hắn chùng như võng cáng viện, rằng sáng tinh mơ vợ mày đã gọi rồi và đang sẵn cơn say tao rất thật thà mà khai ra là mày không ở lại. Say hay nói thật chứ tao không có ý phá hoại hạnh phúc lứa đôi. Rất chi là xin lỗi.
Tôi quay sang run rẩy với cô nàng, cho anh tá túc lại đây ít hôm. Nàng dớn dác, không sợ con sư tử nó xé xác ra à? Tôi bảo, vợ anh vắng nhà. Yên tâm nhớn chưa?
Đời tôi, chưa bao giờ mong vợ vắng nhà đến thế!